Tóm tắt nội dung [Ẩn]
Tín ngưỡng “Thờ cúng tổ tiên” vốn là tín ngưỡng lâu đời của người dân đất Việt, dù ở bất cứ nơi đâu thì những người con của dải đất hình chữ S vẫn luôn gìn giữ nét đẹp truyền thống ấy. Bất kể khi nhà có hỷ sự như sinh con, cưới gả, mừng thọ, thi đỗ… hay là có việc tang ma… người mình đều làm lễ ‘cáo yết’ hoặc kêu cầu gia tiên.
Lễ gia tiên truyền thống trong ngày cưới hỏi
Người công giáo cũng không phải ngoại lệ, chỉ khác biệt ở chỗ việc lễ bái được đặt trong tương quan với Thiên Chúa, là Đấng tạo dựng muôn loài, từ đó mà lễ gia tiên của người công giáo thường gồm ba tiết mục: cảm tạ Thiên Chúa - Kính nhớ Tổ tiên - Chúc mừng cha mẹ, ông bà còn sống. Ở bài viết dưới đây, mình sẽ đi làm rõ ý nghĩa và cách thức của mỗi mục này nhé.
Kinh nguyện tạ ơn Chúa sẽ là tiết mục được thực hiện đầu tiên trong lễ gia tiên của người công giáo. Như chúng ta đã biết, đối với người công giáo, Thiên Chúa là nguồn cội của tất cả, dựng nên vũ trụ và loài người.
Họ cũng tin rằng, Chúa điều khiển mọi sự, đặc biệt là con người, và lẽ tất nhiên là bao gồm cả chuyện tình duyên. Cho nên, đôi uyên ương sẽ phải dâng lời cảm tạ đến Chúa trời trong lễ cưới của mình, đây chính là “Nghi thức tạ ơn Thiên Chúa” trong lễ gia tiên của người công giáo.
Nghi thức này có thể được coi là nghi thức thay thế cho lễ Tơ Hồng dân gian ( là lễ tạ ơn Nguyệt – Lão, vị Thần chủ về hôn nhân và tình duyên, đã tác hợp nên mối duyên này). Ngoài ra, vì lòng kính trọng và niềm tin Thiên Chúa là cội nguồn của mọi tình phụ tử, người Công giáo đặt nghi thức này lên trước hết.
Sau khi Nghi thức cảm tạ Thiên Chúa kết thúc, cô dâu và chú rể sẽ tiếp tục thực hiện nghi lễ kính nhớ những người đã khuất. Vậy sự khác biệt giữa lễ gia tiên truyền thống và lễ gia tiên của người công giáo là gì?
Gia tiên có nghĩa là Tổ tiên gia đình. Lễ Gia tiên hay chính là lễ lạy Bàn thờ, để ra mắt gia tiên hai bên nhà trai và nhà gái trong ngày cưới. Người Việt Nam tin rằng: dù đã mất thì hương linh người quá cố vẫn hiện diện trong gia đình, sống cùng con cái cháu chắt. Do đó, trong ngày cưới, cô dâu và chú rể sẽ được hướng tới bàn thờ Tổ tiên lễ 4 lễ rưỡi (4 phục một lạy), để ra mắt các anh linh gia tộc, rồi cắm hương vào lư đồng.
Đối với người Công giáo, hành động “phục lạy” để bày tỏ chữ hiếu với người đã khuất có thể bị hiểu lầm là việc thờ phượng, mà điều này chỉ được dành cho một mình Thiên Chúa. Tuy nhiên, thông cáo của Hội đồng Giám mục Việt nam ngày 14.11.1964 đã xác nhận xá lạy, thắp nhang... trước bàn thờ tổ tiên (và trước linh cữu) không phải là hành động thờ phượng, mà chỉ để bày tỏ lòng tôn kính.
Chính vì vậy, trong các gia đình Công giáo ngày nay, lễ gia tiên đã dần được tổ chức. Về vị trí của bàn thờ ông bà tổ tiên, nó sẽ được đặt phía dưới của bàn thờ Chúa hoặc một vị trí xứng đáng trong nhà.
Trên bàn thờ sẽ có di ảnh, hoa nến, trái trăng, để tỏ lòng thành kính biết ơn, và tuyệt đối không được trưng bày những thứ nặng phần mê tín trên bàn thờ tổ tiên. Bên cạnh đó, một cuốn gia phả cũng được đặt lên để con cháu biết về cội nguồn, biết về họ hàng để chu toàn hiếu đễ.
Lễ Gia tiên của người công giáo nhằm mục đích để cho cô dâu và chú rể tỏ lòng kính hiếu của mình đối với ông bà, tiên tổ và cô dâu chú rể sẽ chỉ vái 3 vái thay vì lễ 4 lễ rưỡi như trong lễ gia tiên truyền thống.
Lễ mừng ông bà, cha mẹ còn sống được thực hiện ngay sau lễ Gia tiên và cũng là tiết mục cuối cùng. Đối với nghi thức này, nó không có quá nhiều sự khác biệt giữa truyền thống và trong các gia đình công giáo.
Ý nghĩa của tiết mục này là để tạ ơn cha mẹ (vợ) và các bậc trên như ông bà cụ kỵ nếu các vị này còn sống. Đối với chú rể, làm lễ là để tạ ơn cha mẹ vợ vì ơn sinh thành dưỡng dục vợ mình; còn cô dâu lễ để tạ ơn sinh thành dưỡng dục và gây dựng cho mình. Vào dịp này cha mẹ vợ thường sẽ cho tiền hoặc vàng bạc. Lễ mừng cha mẹ, ông bà còn sống cũng được thực hiện cả bên nhà trai.
Ngoài những ý nghĩa trên, đối với người công giáo, đây còn là cơ hội quý báu để con cái có thể tỏ lòng hiếu thảo đối với bậc sinh thành: chín tháng mười ngày cưu mang, ba năm bú mớm, bao năm dài nuôi dạy lớn khôn, nay con cái đã đến tuổi thành gia lập thất.
Công lao ấy là của cha mẹ, thành công ấy cũng là do cha mẹ mà có. Cho nên trong bầu không khí đầy trang trọng, trước sự chứng kiến của những người thân yêu và khách quý, những người con muốn tỏ bày lòng biết ơn đối với cha mẹ là điều hợp lý.
Như vậy, có thể thấy, lễ gia tiên của người công giáo vẫn bao gồm việc lễ bái bàn thờ tổ tiên. Sự khác biệt rõ ràng nhất chúng ta có thể thấy được giữa lễ gia tiên truyền thống và lễ gia tiên của người công giáo đó là: thay cho lễ tơ hồng là nghi thức tạ ơn Thiên Chúa, và lễ cảm tạ Chúa phải được thực hiện đầu tiên, trước cả lễ bái gia tiên và lễ mừng ông bà, cha mẹ còn sống.
Chia sẻ bài viết:
TRẠI HÒM GIA KHANG
UY TÍN - CHU ĐÁO - TẬN TÂM